Cá Sấu Trong Tâm Thức Dân Gian Của Cư Dân Tây Nam Bộ

Từ buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ, những cư dân nơi đây không chỉ đối mặt với rừng rậm hoang vu mà còn đối mặt với thú dữ tràn đầy. Đánh cọp, đuổi sấu là những hoạt động diễn ra thường xuyên nơi miền đất mới này, nó đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của người dân nơi đây.
Cư dân miền sông nước này giết sấu để trừ mối họa, đồng thời cũng khai thác nguồn lợi từ đó. Sự đối đầu đó đã để lại dấu ấn rõ nét trong tín ngưỡng, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, địa danh…của một thời khẩn hoang, lập ấp, những câu chuyện tưởng như hoang đường mà rất giàu tính hiện thực.




Công cuộc đánh sấu
Có lẽ tài liệu xưa nhất ghi chép về cá sấu ở Nam Bộ là Gia Định thành thông chí:” Sông Tiên Thủy (tục gọi Sóc Sãi Hạ) ở về phía đông sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 96 dặm. Sông rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, làng xóm chợ búa rất đông đúc, ghe thuyền tụ tập…Ngoài cửa sông có nhiều cá sấu, có con to bằng chiếc xuồng, tính rất hung dữ, người đi qua phải coi chừng. Dân trong vùng phàm có những ngòi nhỏ, dùng chở gạo củi, hay tưới rửa, thì ở miệng ngòi phải trồng cọc dày kín, để ngăn dòng nước cho khỏi nạn cá sấu”.
Theo Aubaret trong Gia Định thông chí thì:”Rạch Tiên Thủy, năm trước có một con sấu thật to, mình dài đến 60 pieds, cái thân của nó năm người ôm mà không giáp, gọi nó là ông rồng, và sức nó mạnh đến nỗi nó dùng đuôi quất một cái đủ văng người xuống nước để ăn tươi nuốt sống, và ghe xuồng gì đều bị nó quất bể tan tành”.




Vùng bưng Ca Am (kênh Vĩnh Tế, An Giang) là nơi có nhiều cá sấu lửa. Sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu), dài khoảng 7km nhưng lại là một trong những nơi có mật độ sấu đậm đặc nhất. Các loại cỏ như nghể, đế, lục bình từ miệt trên trôi xuống kẹt lại. Dân đi đào kênh Vĩnh Tế trốn về lội ngang sông này đa phần đều bị sấu ăn thịt.
Trong 2 tháng của năm 1880, người dân ở Cổ Cò (Sóc Trăng) đã bắt được 189 con cá sấu để lãnh thưởng, diệt trừ mối hiểm họa.
Khoảng những năm 1900-1910, cọp, sấu còn hoành hành ở miền quê Bến Tre, Gò Công, An Hóa chứ không riêng vùng sình lầy phía Cà Mau.
Ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) mãi đến năm 1915, cá sấu vẫn còn rất dạn dĩ, phá phách dữ dằn, khiến Đốc phủ Mầu, dữ khét tiếng, đã phải bỏ kế hoạch ngăn rạch nuôi cá trên vùng đất này.
Cụ Trần Văn Tốt, 86 tuổi, gia đình đã nhiều đời sống bằng nghề đáy tại vàm Đầu Sấu: “Ông nội tôi tên là Trần Văn Lang, qua đời năm 1942 và cha tôi là Trần Văn Mùi, qua đời năm 1965 đã từng kể cho con cháu biết rạch Đầu Sấu xưa kia rất hoang vắng, dưới sông có nhiều cá to, sấu lớn thường hại người. Khoảng đầu thế kỷ 20 có một phường săn cá sấu người Chà rất nổi tiếng đã giúp dân làng phóng lao giết chết con sấu to bằng chiếc xuồng năm lá, dài trên 6 mét. Đây là con sấu dữ tợn, một “hung thần” trên sông Cái Răng.
Sấu có nhiều loại: sấu cá, sấu bưng, sấu mun, sấu hoa cà… Sấu bắt được người ta trói hai bên bờ ghe, thả dưới nước, chèo ghe bán dọc đường từ Nam Vang xuống Cần Thơ (nay còn chỗ gọi rạch Đầu Sấu) hoặc bán lên Sài Gòn.
Đối với sấu lửa hung tợn, cách bắt phổ biến là dùng mồi vịt hay mồi chó. Mồi được móc vào lưỡi câu to, bén và nối với sợi dây câu chắc, dài. Thợ săn ôm mồi lội xuống nước, nhử cá sấu đến. Khi cá há miệng định táp, thợ câu nhanh tay ném con mồi vào miệng nó. Sấu bị mắc câu, vùng vẫy dữ dội. Đến khi sấu mệt, người ở trên bờ kéo sợi câu, mang sấu lên.
Một kiểu đi săn khác rất độc đáo, không cần dùng mồi và khá mạo hiểm. Thợ săn lội đứng trên sông, một tay quạt nước, tay kia cầm nón lá che đầu và lưỡi câu. Sấu đánh hơi người, lội đến há miệng táp, người đi săn nhanh tay ném lưỡi câu vào miệng sấu. Kiểu săn này chỉ có người gan dạ và giàu kinh nghiệm mới dám thực hiện.
Ngoài cách câu sấu bằng mồi vịt hoặc người thợ câu mang phao nổi hai bên hông để tự làm mồi, dân vùng U Minh Hạ còn có sáng kiến đốt lửa để bắt sấu, loại sấu cá, sống ở ao giữa rừng.
Trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi dành hẳn một chương với tiêu đề Phường săn cá sấu, thuật lại việc bắt sấu ngày xưa.
Ngày trước cá sấu nhiều lắm, bàu nào cũng có. Mỗi bàu ít nhất năm bảy con trở lên, gọi là ao cá sấu. Chọn ao cá sấu hoa cà,rồi phát sậy, phát cỏ rũ xuống, phơi nắng vài ngày cho khô. Dùng thuổng đào một đường nhỏ từ mé ao lên rừng, càng xa bờ càng cạn dần, dài chừng mười thước. Sau đó, bỏ sậy, cỏ khô phủ kín mặt bàu và đốt lửa.
Khi lửa tắt thì mặt bàu phủ kín dưới một lớp tro dày hai ba đốt tay. Cá sấu nổi lên thở thì bị tro cay mắt, còn lặn lâu quá thì bị ngạt nên đập đuôi chạy lên bờ. Chúng cứ nối đuôi nhau trườn theo con mương đào sẵn. Thấy người, con nào cũng há họng toan đớp. Thợ săn liền đút vô họng nó một khúc gỗ mớp, dài chừng ba tấc. Nó táp phập một cái, hai hàm răng dính chặt như ngậm kẹo mạch nha, không há ra được. Các thợ săn lập tức cầm mác xắn trên sống lưng, cắt gân đuôi. Lúc này cái đuôi cá sấu đã mất tác dụng. Người đi săn dùng dây lạt trói thúc ké hai chân sau lên lưng, hai chân trước thả tự do, mõm bị khớp lại. Mỗi bàu bắt được vài chục con trong một ngày.
Cứ ba con dùng bốn đoạn tre buộc xâu lại thành một hàng ngang. Lấy hai cây tre dài kiền tất cả, xếp dính liền thành một dọc dài, hướng đầu chúng về phía trước. Sau đó phát sậy dọn một đường như đường cộ trâu thẳng ra bờ sông theo hướng gần nhất. Thợ săn nhảy lên lưng bầy sấu dùng cây mun điều khiển chúng bò ra bờ sông. Thuyền lái mua chực sẵn hoặc gặp khi không có lái thì khiêng từng con bỏ xuống thuyền chở đi bán.

Sấu trong tín ngưỡng



Tục thờ cá sấu được xem là tín ngưỡng cổ xưa của người Khmer. Cá sấu được xem như một ác thần cai quản một phần sông nước. Người Việt về sau cũng theo tín ngưỡng này và họ cá sấu như một biến thể của thần sông.
Từ sông Cái Lớn vào đến ngã Ba Tàu, chỗ đầu doi vàm Xếp (xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, Kiên Giang), cách bờ sông khoảng vài chục mét có ngôi miếu thờ thần Cá Sấu. Người dân tròng vùng rất tôn kính và phong làm thần Sông.
Tương truyền vị thần ấy là một con sấu Mun cụt đuôi to cỡ chiếc tàu hay nổi lên tại đây. Con sấu khổng lồ này có cái đuôi dài hơn những con sấu khác, được gọi là “Ô ngạc ngư”. Toàn thân màu đen mốc, sống lưng nổi gai từng khúc, miệng đầy răng lởm chởm. Sấu hay thích đùa giỡn với con mồi trước khi ăn thịt, nó là nỗi kinh hoàng của người dân đi ngang qua khu vực ngã ba sông này.
Một lần sấu Mun định hại hai mẹ con đậu ghe nơi bến sông, bị ông thầy pháp chém đứt khúc đuôi dài gần hai mét. Từ đó về sau sấu trở nên hiền lành không hại một ai. Sấu rất thích xem hát bội. Có lần vì mãi xem nên mắc cạn. Người dân kể lại, họ nghe tiếng cô hồn là những người bị sấu Mun ăn thịt lâu nay, không siêu thoát, hè nhau đẩy ông sấu này xuống lại vùng nước sâu!
Ngày kia, có một con cá sấu đỏ, tên là “Xích ngạc ngư” kéo tới xâm phạm lãnh địa của sấu Mun, rất hung hăng, đập chìm ghe, bắt người liên tục. Sấu Mun lao tới quyết chiến với sấu đỏ, hai bên đánh nhau suốt ba ngày, ba đêm. Sấu đỏ bị giết, còn sấu Mun cũng mất tích. Dân chúng cho rằng, có lẽ sấu Mun bị thương nặng nên tìm về doi đất vàm Xếp mà chết. Họ lập miếu thờ, phong tặng là “Thủy thần sông Cái Lớn”. Người dân cả quyết rằng sấu Mun không chết mà trầm tích tại ngã ba Tàu tu hành, hóa rồng bay lên mây, được Thượng Đế phong làm thủy thần cai quản cả vùng sông Cái Lớn.

Sấu trong ca dao, truyền thuyết
Công cuộc chinh phục vùng đất mới, lớp cư dân Tây Nam Bộ buộc phải đối đầu với những thế lực tự nhiên, trong đó có loài sấu dữ, luôn luôn rình rập làm hại người. Nhất là trong ca dao, được phản ánh rất rõ nét, đậm đặc cái tâm thức của những người đi mở cõi trước một vùng đất trù phú, hết sức hoang sơ và không kém phần khắc nghiệt:



- Chèo ghe sợ sấu cắn chưn.
Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”

- U Minh khốn khổ quá chừng
Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha

-U Minh nước mặn phèn chua
Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng

- U Minh, Rạch Giá, Thị Quá, Sơn Trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua

- Đồng Nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um

Không phong phú như truyện kể về cọp, nhưng các truyền thuyết, truyện tích về sấu cũng giúp ta hiểu được quan niệm nhân sinh, thế ứng xử với thiên nhiên của người dân Tây Nam Bộ. Đó là các truyện Ông Đình Tây và sấu Năm Chèo; Truyền thuyết thần Ô Ngư Ngạc; Truyền thuyết núi Thuyền (Khmer); Sấu Ba Kè và vua Gia Long; Bị sấu đớp mà thoát được; Cá sấu xem hát bội; Sự tích địa danh Đầu Sấu, Cái Da, Cái Răng; Bưng sấu hì; Đá cá sấu…

Sấu trong địa danh
- Dấu vết của “ngạc ngư” thể hiện trong các địa danh ở Tây Nam Bộ lại hết sức da dạng, phong phú. Có cả những địa danh Khmer trong số đó.
- Đìa Sấu (Cai Lậy, Tiền Giang), nơi tập trung nhiều cá sấu.
- Rạch Đầu Sấu ở xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng (Long An).
- Cầu Đầu Sấu ở quận Cái Răng (Cần Thơ) là “đầu con cá sấu” vì người Việt xưa rất sợ cá sấu nên thường thờ đầu cá sấu bên sông (theo Sơn Nam). Khoảng năm 1940, nơi đây vẫn còn cảnh làm thịt sấu tại đầu vàm. Sấu thịt được chở về từ Nam Vang và An Giang bằng xuồng, ghe. Buôn bán rất sung, người mua khá đông giống như một lò mổ. Lúc đó vàm nầy đã có tên là vàm Đầu Sấu. Tại khu vực 1, phường An Bình (TP. Cần Thơ) hiện nay vẫn còn một ngôi chùa cổ kính mang tên là chùa Ông Vàm Đầu Sấu.
- Ấp Đầu Sấu Đông, ấp Đầu Sấu Tây (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Đầu Sấu trong tiếng Khmer là Khal Kropơ. Trong truyền thuyết Núi Thuyền (Phnom Sampâu) của người Khmer, ngọn đồi nổi lên ngay chỗ con sấu chết gọi là Đồi Sấu (Phnom Krapư), hai cái đầm chỗ sấu quậy đầu và đuôi gọi là Bưng Mũi (Bâng Chromoc) và Bưng Đuôi (Bâng Kantuôi).[31]
- Rạch Bỏ Lược (Cà Mau). Truyền thuyết kể về một người mẹ có con bị cá sấu ăn thịt. Để trả thù, bà lấy mác đâm con cá sấu và cả hai cùng chết, chỉ để lại một cái lược bà đang chải tóc.
- Rạch Cái Cá ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), gọi là “rạch cá” vì dưới rạch này trước đây có nhiều cá sấu.
- Rạch Cái Cấm bao quanh cù lao Thanh Tân, nay thuộc xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Cái Cấm là “rạch cấm”, vì ngày xưa rạch này có nhiều cá sấu nên quan cấm dân đi qua rạch một mình.
- Rạch Cái Khế chảy từ Cầu Đôi đến Đầu Sấu (thành phố Cần Thơ), dài 5km.
- Rạch Đường Chừa (Vĩnh Long), vì con đường có một khúc phải chừa lại do không đắp được vì sợ cá sấu ăn thịt những người đắp đường.
- Bưng Sấu Hì (vũng nước lớn giữa đồng) ở giữa đồng Tháp Mười, (Đồng Tháp). Một cặp vợ chồng kia có đứa con 10 tuổi bị sấu ăn thịt. Khi chồng gọi kiếm con, chỉ nghe tiếng sấu kêu hì. Sau đó, người địa phương giết được bầy sấu và đặt tên trên.
- Ngã ba Tàu ở Kiên Giang. Một trong giả thuyết để giải thích nguồn gốc địa danh này là do có một con cá sấu bị người đi đốn dừa nước chặt đứt khúc đuôi nên trông như một chiếc tàu.
- Hang Sấu thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), xưa có rất nhiều cá sấu. Đặc biệt nơi đây có một cái hang cá sấu rất lớn, người dân qua lại khu vực này thường bị cá sấu tấn công.


Lời kết

Trong công cuộc chinh phục vùng đất mới Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung, bằng trí tuệ và lòng quả cảm, những lớp cư dân nơi đây đã đương đầu với những sức mạnh tự nhiên, những loài thú dữ như cọp beo, sấu, rắn… Vươn lên chế ngự nó, nhằm tạo ra những điều kiện để khai thác, canh tác, bảo đảm cuộc sống an lành là công việc đòi hỏi sự bền bĩ, lâu dài.Việc “đánh sấu” trên hết chỉ xuất phát từ việc làm điều thiện, điều nghĩa, phản ảnh cái tinh thần khí khái của người dân Nam Bộ trong việc diệt trừ thú dữ.Thông qua hình ảnh con cá sấu, ta dường như hiểu rõ hơn bức tranh hiện thực về văn hóa dân gian của vùng đất này với những sắc thái hết sức đặc trưng của miền sông nước.

Đại Việt Tourist chuyên tour Cần Thơ ghép đoàn, cho thuê tàu đi chợ nổi Cái Răng